Người đàn ông ung thư máu về nhà chờ chết bình phục 80% sau 8 tháng tập luyện
10 năm bệnh tật hoành hành
Từng bị căn bệnh bạch cầu tủy mạn (một dạng của ung thư máu) nên suốt nhiều năm liền ông Nguyễn Đình Ngọc (45 tuổi, trú tại tổ 12, khu phố 6, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) phải sống trong đau đớn. Nếu không nhìn vào những tờ giấy xét nghiệm trước đây, ít ai có thể nhận ra ông đã từng đứng trên bờ vực của cái chết. Bởi hiện tại, ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn và là lao động chính nuôi cả nhà.
Ông Ngọc cho biết, khoảng giữa tháng 3 năm 2004, ông cảm thấy sức khỏe của mình có vấn đề, cơ thể mỏi mệt, da xanh xao và có dấu hiệu sút cân. Gia đình đưa ông đi khám và xét nghiệm thì ông được chẩn đoán bị bệnh bạch cầu tủy mạn. Ông phải điều trị tại Bệnh viện Huyết học truyền máu TP. Hồ Chí Minh.
Tại đây, các bác sĩ làm các xét nghiệm, đưa ra phác đồ điều trị cho ông và tư vấn có thể cần phải tiến hành ghép tủy. Ông chia sẻ: “Hồi đó bác sĩ nói, nếu ghép tủy thì cần khoảng gần 1 tỷ đồng, mà gia đình tôi thì làm sao có đủ số tiền đó. Nếu không điều trị gấp thì nguy cơ tử vong cao, nhưng để ghép được tủy hay không lại cần một quá trình nữa. Tôi cứ trăn trở mãi và quyết định không ghép tủy, chỉ điều trị ở bệnh viện một thời gian rồi về nhà tìm thuốc Nam tự trị bệnh, nếu không khỏi tôi sẽ chấp nhận”. Trong suốt thời gian điều trị, mỗi tháng trung bình gia đình ông phải bỏ ra 40 triệu đồng chi phí ăn ở đi lại và tiền thuốc men. Cả năm ông nằm điều trị tiêu tốn hơn 400 triệu đồng, công sức cả hai vợ chồng tích cóp bằng nghề thu mua phế liệu trong phút chốc biến mất.
Về nhà, ông tìm nhiều phương thuốc để tự trị bệnh từ thuốc Nam đến thuốc Bắc nhưng không có hiệu quả. Ai chỉ tới đâu ông đều tìm và điều trị tới đó, nhưng càng trị thì bệnh tình càng nặng hơn. Mặc dù bị bệnh nhưng tinh thần ông thời điểm đó vẫn rất lạc quan. Ông không sợ mình sẽ chết, chỉ lo lắng là con còn quá nhỏ, nếu ông chết, một mình vợ nuôi đàn con nheo nhóc thì sẽ vất vả. Đó chính là động lực khiến ông tìm mọi cách để được sống. “Tôi thì luôn vui vẻ mặc dù trong người rất đau, còn vợ con thì lúc nào mặt cũng rầu rĩ. Trong nhà khi đó buồn, ảm đạm lắm, ai cũng nghĩ tôi sắp chết tới nơi rồi” – ông Ngọc tâm sự.
Cứ 3 tuần 1 lần, ông Ngọc lên bệnh viện để xét nghiệm máu. Mỗi lẩn lên viện, bác sĩ đều nói bệnh tình của ông càng nặng hơn. Bị bệnh đau tới mức người xanh mướt, không ăn uống gì được nhưng ông vẫn cố làm việc để có tiền điều trị và nuôi cả gia đình. Có cơ hội nào chữa bệnh mà không tốn nhiều tiền ông đều muốn thử. Ông chia sẻ: “Trong một lần đi xét nghiệm, có một công ty trao đổi và ký với tôi hợp đồng để dùng thử nghiệm thuốc điều trị ung thư của họ. Tôi nhớ trong hợp đồng có nhắc nếu dùng thuốc của họ mà bị sốc hay có vấn đề gì ảnh hưởng tới tính mạng thì không được kiện cáo. Lúc đó nghĩ đằng nào cũng chết nên tôi quyết định dung thử. Tôi có nghe họ nói là loại thuốc đó rất đắt tiền, mỗi viên trị giá hơn 400.000 đồng, nên rất hy vọng, đắng nào mình cũng lâm vào mức đường cùng rồi”.
Ông điều trị bằng loại thuốc trên suốt nhiều tháng liền, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Ông còn thấy cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng khác, như đêm không ngủ được, ăn uống kém hơn,… Đặc biệt, ông bị tiêu chảy lien tục suốt 5 tháng, khiến cơ thể ông mất nước nên ngày càng tiều tụy. Bà Nguyễn Thị Huệ (vợ ông Ngọc) nhớ lại: “Lúc đó nhìn ông ấy tội nghiệp lắm. Hàng xóm đều nói chắc ông ấy sắp chết rồi. Tôi đêm nào cũng khóc vì thương chồng. Con thì còn nhỏ mà vì bệnh của bố nên chẳng học hành được tới nơi tới chốn. Bao nhiêu tiền bạc đều tập trung hết cho việc chữa bệnh nên mọi việc cứ bế tắc. Ông Ngọc thì cứ cố gắng lạc quan để gia đình yên tâm”.
Ông Ngọc sống trong bệnh tật suốt nhiều năm và nghĩ cuộc đời mình tới đó là chấm dứt. Lá lách ngày càng to chèn khiến ông khó thở, chảy máu chân răng liên tục, miệng và lưỡi lở loét, da trên người thâm đen. Gia đình nghi đó chính là giai đoạn cuối của bệnh và cũng đã nghĩ tới việc phải chuẩn bị tinh thần phòng trường hợp xấu nhất. Tuy vậy, ông Ngọc vẫn tự nén mọi cơn đau để ngày ngày chạy xe máy đi thu mua phế liệu kiếm tiền nuôi con.
Sức khỏe hiện đã bình phục 80%
Vào một ngày tháng 6 năm 2014, khi bệnh tình đang đi vào giai đoạn xấu nhất thì tình cờ ông Ngọc gặp lại một người bạn cùng làm nghề bán phế liệu. Thấy bệnh tình của ông Ngọc nặng, người bạn khuyên ông nên thử phương pháp ngồi thiền dưỡng sinh Trường Sinh học. Lúc đó, ai chỉ cách nào ông cũng đều thử, nên ông theo bạn đến Câu lạc bộ Dưỡng sinh huyện Xuyên Mộc để tập. “Lúc đầu tôi không tin, tôi nghĩ mình chữa trị nhiều cách, hiện đại có, cổ truyền có, mà không được thì sao có thể khỏi nhờ việc ngồi thiền được chứ. Nhưng tôi vẫn hy vọng và thử, vì bản thân tôi vẫn luôn khao khát được sống” – ông Ngọc nói.
Ngày đầu tiên, ông bắt đầu được khai mở Luân xa để luyện tập, nhưng ông không thể ngồi được vì cơ thể quá yếu, nên phải có người phụ giúp liên tục. Ngồi được khoảng 30 phút, ông phải nghỉ lấy sức để tiếp tục. Kiên trì trong 2 tháng, ông bắt đầu thấy cơ thể mình có chút thay đổi. Điều dễ nhận thấy nhất là ông đã bắt đầu có cảm giác thèm ăn, tình trạng chảy máu chân răng cũng thuyên giảm rất nhiều. Thấy có dấu hiệu tích cực nên ông càng hăng say luyện tập hơn. Ông cho biết: “Ngày mới ngồi đau lắm, mồ hôi và nước mắt cứ thay nhau chảy, muỗi có đốt, kiến có cắn cũng không dám gãi mà cứ tập trung ngồi thật yên tĩnh. Tôi thả lỏng cơ thể mình, không nghĩ đến danh lợi trên đời và tĩnh tâm học cách buông bỏ để cho cơ thể mình thoải mái. Cứ như vậy, vừa ngồi thiền chữa bệnh tôi cũng nghiệm ra nhiều thứ trong cuộc sống này”.
Gia đình ông vẫn chưa tin vào việc bệnh tật đang có chiều hướng tốt nên bắt ông tháng nào cũng phải lên bệnh viện khám và không được bỏ thuốc. Nhưng luyện tập đến tháng thứ ba thì ổng hẳn, không dùng thuốc nữa và cũng không lên bệnh viện để làm các xét nghiệm vì rất tốn kém.
Giờ đây, trải qua 8 tháng luyện tập, sức khỏe của ông Ngọc đã có những chuyển biến tích cực. Từ một người bệnh về nhà chờ chết thì nay ông đi làm, đi chơi bình thường, da dẻ hồng hào, bước đi nhanh nhẹn. Nhìn ông không ai có thể ngờ rằng ông đã từng ở trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Hàng ngày, ông chăm chỉ luyện tập 3 lần, mỗi lần ngồi thiền khoảng 1 giờ đồng hồ, vào buổi sáng, trưa, tối. Ông tâm sự: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất mà tôi có chính là niềm tin và khao khát sống. Tôi luôn tin rồi mình sẽ khỏi bệnh và có niềm tin để luyện tập đẩy lùi bệnh. Đến nay sức khỏe tôi đã bình phục được đến 80%. Tôi dự định tới tháng 6 này tròn một năm tôi tiếp cận môn dưỡng sinh Trường Sinh học thì sẽ lên bệnh viện để xét nghiệm lại. Giờ tôi chỉ biết tôi đang mạnh khỏe, ăn ngon, ngủ tốt, đó là điều khiến tôi rất hạnh phúc”.
Tác giả bài viết: BẢO ANH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ & Đời sống, số 392