Lúc 5 tuổi, anh Thuận bị thấp khớp nhưng gia đình không biết. Căn bệnh mỗi ngày một nặng, gây cứng khớp, teo cơ mất khả năng vận động và dẫn đến suy tim…
Từ thấp khớp dẫn đến suy tim
Anh Trần Đình Thuận (SN 1986, thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) là con trai thứ 2 trong một gia đình lao động nghèo có 5 anh chị em. Khi sinh ra, anh Thuận cũng bình thường như bao đứa
trẻ khác.
Tuy nhiên đến năm 5 tuổi thì bất hạnh ập đến với anh. Bà Trần Thị Phước (SN 1961, mẹ anh Thuận) nhớ lại: “Đầu tiên, Thuận bị sưng mắt cá chân phải. Gia đình lúc đó cứ nghĩ là con bị sưng tấy bình thường nên chỉ mua thuốc về cho uống. Thuận uống thuốc thì có đỡ hơn nhưng được vài ngày, chân lại sưng lên.
Cứ mỗi lần thuốc vào thì chân đỡ đau, nhưng sau đó lại đâu vào đó. Uống thuốc Tây không khỏi, gia đình cho Thuận uốngthuốc Nam, rồi chuyển qua thuốc Bắc, nhưng cũng không ăn thua”.
Năm 18 tuổi, thấy bệnh tình của anh Thuận quá nghiêm trọng, gia đình đưa anh đi khám. Bác sĩ thông báo anh bị sốt thấp khớp suốt một thời gian dài mà không được phát hiện điều trị. Bệnh đã ảnh hưởng đến tim, làm suy tim.
Lúc này anh Thuận và gia đình mới biết rằng các triệu chứng đau tức ngực, khó thở… là do tim đã bị ảnh hưởng. Bác sĩ cũng cho hay, bệnh của anh lúc này đã quá nặng, không cách nào điều trị hồi phục được nữa.
Anh nhớ lại: “Lúc đó tôi tuổi 18, nhưng nhìn tôi như một đứa bé, người vàng vọt, xanh xao, tay chân trông như cành cây, thân người nhìn như cái xác khô. Các cơ tay chân của tôi bị co rút, các khớp bị cứng lại, không cử động được. Tôi nằm bất động một chỗ, người lúc nào cũng mệt mỏi, ê ẩm”, anh Thuận nói.
Quyết tâm học thiền năng lượng trường sinh học
Trong lúc cảm thấy bế tắc nhất, một người cô đã mách cho anh về hiệu quả của ngồi thiền. Cụ thể, đó là Câu lạc bộ Tâm năng Dưỡng sinh Trường năng lượng sinh họcTây Sơn do ông Nguyễn Thanh Nam (60 tuổi) làm chủ nhiệm, cách nhà anh khoảng 10km.
…
Anh Thuận chia sẻ: “Lúc đó tôi và gia đình quyết định đi học thiền. Nhiều người đồng tình, an ủi động viên. Nhưng cũng không ít người hoài nghi bởi tôi ngồi dậy hay trở mình cũng không làm được thì sao có thể học ngồi thiền”.
Vì nằm bất động nên ban đầu anh Thuận được cho nằm một chỗ tại lớp học để các huấn luyện viên truyền năng lượng. Sau một tuần được trợ bệnh, anh Thuận được đỡ ngồi trên ghế vì không thể ngồi xếp bằng dưới đất được như mọi người.
Lúc đó, bà Phước đứng bên cạnh suốt buổi để đỡ con trai. Lúc bà Phước có việc bận thì mọi người trong câu lạc bộ thay phiên giúp chàng trai bại liệt. Dù nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh Thuận cũng vượt qua được 5 ngày vừa học lý thuyết về môn thiền vừa được các huấn luyện viên mở luân xa.
Anh Thuận tâm sự ngồi được trên ghế là một điều kì diệu với anh. “Tôi như người không xương, không thể giữ thăng bằng, không chút sức lực để giữ thẳng lưng, chỉ cần người bên cạnh rời tay là tôi sẽ bị ngã.
Thế nhưng khi được mở luân xa và nhận năng lượng từ các cô bác ở câu lạc bộ, mọi người dìu đến ghế thì tôi tự ngồi thẳng được, không sợ bị ngã nữa”, anh Thuận nói.
Cũng sau một tuần học lý thuyết đó, vì việc đi lại khá khó khăn và hoàn cảnh gia đình, anh Thuận xin được về nhà tự ngồi thiền. Gia đình đã dọn cho anh một căn phòng yên tĩnh, đặt ở đó chiếc ghế gỗ bên trên có lót tấm nệm để anh hàng ngày ngồi thiền.
Tư thế ngồi thiền của anh là ngồi trên ghế, hai chân buông chạm đất, hai tay đặt ngửa lên hai đầu gối, lưng thẳng. Ban đầu anh Thuận tập với thời gian chỉ vài chục phút và có người bên cạnh giúp đỡ.
Sau khi đã quen ngồi thiền, anh tự tập dài hơn mà gia đình không cần phải lo lắng. Hàng ngày trước khi đi làm, bố mẹ dìu anh lên ghế ngồi, đến khi đi làm về thì lại đỡ anh lên giường nằm nghỉ.
Kết quả kì diệu sau 3 năm ngồi thiền
Anh Thuận cho hay, khi mới ngồi thiền tại nhà, việc ngồi bất động một chỗ khiến anh gặp phải nhiều cơn đau dữ dội, đặc biệt là các khớp xương tay chân. Đã không ít lần anh có ý nghĩ bỏ cuộc không tập nữa hoặc tìm đến thuốc giảm đau. Nhưng khát khao được hồi phục đã giúp anh gạt bỏ ý nghĩ ấy, giữ niềm tin vào môn học.
Tập luyện được chừng 3 tháng, anh nhận thấy có những biến chuyển tích cực trong người. Những cơn đau ở các khớp xương giảm dần từng ngày, các cơn đau tức ngực cũng ít dần. Theo lời khuyên anh đã đến câu lạc bộ học lên cấp 2. “Quá trình học ngồi thiền là đầu tiên học cấp 1, cấp cơ bản.
Sau khi đã ngồi thiền một thời gian, cơ thể dần khá lên, người học có thể học lên cấp 2, với độ khó và kĩ thuật được nâng lên một bậc nữa. Hiện nay tôi đã học lên cấp 4 rồi, tức là cấp cao nhất dành cho bệnh nhân dùng để tự chữa bớt bệnh cho bản thân”, anh Thuận kể.
Sau 3 năm kiên trì tập luyện, anh Thuận đã có thể tự đứng dậy, chập chững đi lại trên đôi chân của mình.
Anh Thuận cho biết: “Lần đó tôi thiền xong thì trời đã trưa mà gia đình đi làm đồng vẫn chưa về. Trời khá oi nóng, tôi ngồi một chỗ thấy cũng khó chịu nên thử đứng dậy, đi lại. Tôi chỉ nghĩ là thử xem có được hay không thôi, không ngờ là mình tự đứng dậy, đi chập chững được”.
Bà Phước vui vẻ nói: “Tôi đi làm về đến ngõ, thấy Thuận tựa người đứng ở cửa nhìn ra thì cứ tưởng là có ai vào nhà giúp.
Lúc vào đến sân, thấy con đang đứng nhìn mình cười tươi mà tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Thuận bị liệt toàn thân, nằm một chỗ từ năm 16 tuổi, đến khi đó Thuận 21 tuổi, tức bị liệt đã 5 năm, chẳng lẽ nào lại đi được trở lại.
Phải đến khi hai mẹ con trò chuyện, tôi mới tin là thật. Từ đó đến nay, Thuận đã tự đi lại được 7 năm rồi”.
Việc bản thân có thể dần đi lại, vận động được khiến cuộc sống của anh Thuận cũng thay đổi theo hướng tích cực. Sức khỏe và tinh thần của anh cũng dần dần khá lên, người như có thêm sức sống và lạc quan hơn. Anh Thuận đã có thể đi lại trong xóm làng, tìm được những niềm vui mà trước đây anh chưa từng có.
Bà Phước xúc động cho hay: “Hồi đó Thuận lúc nào cũng bị đau. Mấy khớp xương đó cứ sưng lên, nóng rát, đau đớn. Những ngày trái gió trở trời, Thuận lên cơn đau, cả ngày rên rỉ, không chợp mắt được tí nào. Tôi muốn xoa bóp cho con nhưng rờ vào thì Thuận như càng đau thêm. Thuận còn phải uống thuốc trợ tim nữa. Giờ thấy con được như vậy tôi rất mừng. Nếu không nhờ môn thiền thì có khi Thuận giờ đã xanh cỏ rồi”.
Anh Thuận cho biết hiện anh không còn bị đau xương khớp như trước. Nhưng vì anh bị thấp khớp, viêm khớp hơn chục năm mà không được chữa trị nên bệnh tình khá nặng, các khớp bị cứng lại, các cơ bị teo đi nên một số khớp xương vẫn chưa thể hồi phục khả năng vận động.
“Các khớp xương của tôi bị cố định thời gian dài, lớp sụn bị mất đi, chất nhờn ở đầu khớp cũng không còn. Muốn vận động được bình thường trở lại thì cần thời gian dài tập luyện để các khớp hồi phục”, anh Thuận nói.
Như Nguyệt
(Theo Tuổi trẻ & Đời sống)